Bài viết này mình sẽ phân tích những cái được và mất khi bạn chọn 1 trong 3 loại hình nghiệp nghề này dựa trên những trải nghiệm của cá nhân mình trong quá trình làm việc quan sát và tích luỹ được, hi vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn đa chiều hơn, đưa ra được những lựa chọn cho riêng mình.
Khởi nghiệp có thực sự màu hồng?
Mình từng là co-founder cho BuzzHeat với quyết tâm xây dựng 1 nền tảng chia sẻ video dành riêng cho thị trường Việt Nam. Với những người khởi nghiệp với 1 ý tưởng, giải pháp mới nào đó luôn tràn đầy nhiệt huyết, nghĩ rằng nó là đột phá với những con số ấn tượng, tương lai màu hồng được vẽ ra và mình cũng không ngoại lệ. Gắng bó được 2 năm và cũng có được 1 số kết quả nhất định nhưng vì nhiều lý do, team mình đã thất bại dù đã gọi vốn vòng đầu thành công. Sau đây là cái được và mất mình rút ra được sau hành trình đó:
Được:
- Học rất nhiều thứ: mình học được rất nhiều kiến thức khác ngoài tech như viết content, marketing, quảng cáo, quản lý con người, quy trình,… nói chung là làm hết mọi thứ có thể để đóng góp cho cty.
- Thương hiệu cá nhân: mọi người biết đến sản phẩm, biết đến và đánh giá tốt năng lực của bạn.
- Có nhiều mối quan hệ: mình được gặp, học hỏi và hợp tác với nhiều người có vị thế hơn.
- Trải nghiệm “cool ngầu”: hiện thực hóa ý tưởng có giá trị cho mọi người làm mình có cảm giác ngầu hơn, cool hơn với đứa con tinh thần đó.
Mất:
- Áp lực: cường độ công việc cao, thay đổi liên tục, bạn sẽ phải làm nhiều thứ, dành hết thời gian để vận hành.
- Rủi ro: tỷ lệ thất bại của startup rất lớn, bạn vào cuộc chơi này thì như ngồi trên đống lửa, sẵn sàng cho việc đóng cửa bất cứ lúc nào.
- Cô đơn: sẽ có rất nhiều hoài nghi về thành công từ mọi người xung quanh, gia đình đối với bạn, với những gì bạn đang làm.
- Tài chính, thời gian: đây là 2 cái lớn nhất bạn sẽ phải chấp nhận khi khởi nghiệp thất bại.
- Dễ ảo tưởng: chức danh quá cở đôi khi là con dao 2 lưỡi làm bạn không đứng trên mặt đất và rất dễ bị ngã sấp mặt.
Mình nhận ra mình cần phải tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn tốt hơn, quy trình vận hành, quản lý con người tốt hơn thì mới có thể đảm nhiệm tốt được vai trò của người đứng đầu chứ không thể đâm lao vô tội vạ, không xác định được năng lực của mình thì thất bại gần như thấy rõ.
Làm thuê có thực sự an toàn?
Mình từng làm việc cho các cty và nhận lương ổn định hằng tháng. Khái niệm an toàn mình nghĩ cũng tương đối vì chính cty đầu tiên mình làm việc cũng bị mua lại và mình phải tìm nơi làm việc mới. Sau đây là được và mất khi đi làm thuê:
Được:
- Thu nhập ổn định: chắc chắn rồi, lương về mỗi tháng mà, khỏi phải lo nghĩ tháng này làm sao có tiền.
- Kinh nghiệm từ đồng nghiệp: khi làm việc trong môi trường có nhiều người, bạn dễ dàng học tập từ họ.
- Chế độ: chế độ lương thưởng, bảo hiểm, ngày nghỉ, thể dục thể thao, company trip,…
- Cân bằng cuộc sống: chỉ làm việc giờ hành chính, không cần cày cuốc buổi tối, cuối tuần, nói chung có vẻ là cuộc sống vui hơn, nhẹ nhàng hơn.
Mất:
- Thu nhập ổn định nhưng không đột phá: nếu chỉ dựa vào lương cứng thì muốn đột phá trong thu nhập mình nghĩ là khó.
- Cái bẫy nhàn hạ: dễ thỏa mãn với công việc và thu nhập hiện tại sẽ làm bạn dễ mất động lực phát triển bản thân.
- Chấp nhận luật lệ: đã đi làm cho cty thì tuân thủ quy định, quy trình là điều chắc chắn, bạn không có lựa chọn khác.
Làm freelancer có thực sự tự do?
Nhiều người lựa chọn làm freelancer để có thể thoải mái giờ giấc, tự do nơi làm việc, dù sáng thức dậy ở 1 nơi xa vẫn có thể làm việc được. Mình cũng đã làm hơn 10 dự án freelance lớn nhỏ khác nhau cũng rút ra được 1 số điều sau đây:
Được:
- Tự do: bạn có thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào bạn muốn.
- Thu nhập cao: mình từng nhận những dự án trực tiếp từ khách hàng và mức thu nhập so với công sức bạn bỏ ra là cao hơn nhiều so với việc làm cho cty. Tất nhiên vì cty sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí khác cho bạn, còn nếu tự làm trực tiếp bạn có thể hốt hết.
- Làm việc trực tiếp với khách hàng: bạn làm luôn vai trò thỏa thuận, đàm phán trực tiếp với khách hàng, mình cũng đã rút ra được nhiều bài học thú vị khi làm việc với nhiều khách hàng khác nhau.
Mất:
- Cái bẫy tự do: tự do mình liệt kê ở phần trên thực ra là ở mức tương đối thôi. Khách hàng hô hoán lên thì bạn cũng phải hỗ trợ. Mình đã từng đi du lịch nghỉ ngơi nhưng vẫn phải khư khư cái laptop bên mình để làm cho kịp deadline. Nếu như không xác định chính xác yêu cầu của khách đôi khi phải trả giá làm free cho họ hoặc không làm bạn sẽ mất uy tín.
- Thu nhập không ổn định: đúng là freelance có thu nhập cao thật nhưng sẽ không ổn định. Mình từng có những tháng 2, 3 dự án cùng dồn về làm không kịp nhưng cũng có những tháng phải chờ đợi, thỏa thuận khách hàng trong vô vọng.
- Không cân bằng cuộc sống: thức khuya, dậy muộn, lệch múi giờ, ăn uống không điều độ là những điều rất dễ nhận ra khi bạn làm freelancer.
- Bị quỵt hoặc chậm trả tiền: nói chung cái này hên xui, không phải muốn họ ghi đầy đủ trên hợp đồng là đủ, khi làm freelancer phải tính toán đến bước này. Mình đã từng bị khách hàng nhây chậm trả tiền và có cả bị quỵt tiền nên rất tâm đắc để chia sẻ cái này 🙁
Những điều mình chia sẻ ở đây không hướng bạn đến với cụ thể 1 loại hình làm việc nào cả. Mỗi cái đều có cái giá phải trả khác nhau, tùy từng thời điểm và năng lực của bạn mà đưa ra quyết định hợp lý. Điều quan trọng là mục tiêu của bạn thế nào, tính kỉ luật của bạn tới đâu thì dù làm gì, ở đâu, bạn cũng sẽ có thể học hỏi và phát triển được.
Mình hi vọng có thêm nhiều đóng góp, ý kiến đa chiều từ các bạn cho bài viết này ❤
Nguồn: medium@dinhthibc
KHO MẪU CV XIN VIỆC CHUYÊN NGHIỆP CỦA CV.COM.VN
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |