Walter Scott từng nói rằng “Tất cả những người đáng giá đều có phần tự lập trong học vấn của mình”. Từ đó đề cao tinh thần tự giác học hỏi trong mỗi người chúng ta. Kỹ năng tự học rất quan trọng, đặc biệt hơn khi chúng ta bước chân vào giảng đường. Bởi quãng đời sinh viên được coi là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi chúng ta chính thức bước chân vào cuộc chiến ngoài xã hội.
Nếu bạn đang là sinh viên, và bạn không biết cách để tự học một cách hiệu quả, những chia sẻ dưới đây được viết ra dành cho bạn.
6 bí quyết rèn luyện kỹ năng tự học hiệu quả
1. Có mục tiêu rõ ràng
Làm bất kỳ việc gì dù lớn hay nhỏ bạn cũng cần phải có mục tiêu rõ ràng. Với việc học cũng vậy, bạn cần biết mình cần phải học vì cái gì, những loại kiến thức bạn học sẽ phục vụ vào công việc gì. Khi đó bạn sẽ chủ động học và tự học để có đủ kiến thức thực hiện mục tiêu mà bản thân đã đề ra.
2. Chủ động lập kế hoạch học tập
Kế hoạch học tập mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu học tập của mỗi người. Lập kế hoạch nghĩa là bạn vạch ra tất cả những điều cần phải làm để đạt được mục tiêu.
Khi có những công việc cụ thể, bạn chỉ cần thực hiện theo. Nó tựa như ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho bạn vậy. Tuy nhiên, để thực hiện theo đúng kế hoạch, bạn phải rèn luyện cho mình một tinh thần quyết tâm cao.
Đồng thời bạn cũng cần xem xét đánh giá kế hoạch của mình có hiệu quả hay không sau một thời gian thực hiện. Chúng ta cần biết linh hoạt điều chỉnh nếu có bất kì vấn đề gì xảy ra.

3. Lựa chọn thời gian và địa điểm tự học
Nếu có thể bạn nên học vào buổi sáng. Tuy nhiên, vì là sinh viên nên chắc hẳn ai cũng phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống nên thời gian rảnh rỗi không giống nhau. Vì vậy bạn phải tranh thủ thời gian để học. Nếu bạn phải đi làm hoặc đến trường vào buổi sáng, bạn có thể thức dậy sớm hơn khoảng một tiếng để tự học.
Thư viện, phòng đọc sách, hoặc ở phòng riêng là tốt nhất – vì ở đây bạn sẽ không lo bị người khác làm phiền trong suốt quá trình học. Đôi khi chỉ vì một âm thanh bất ngờ cũng khiến bạn dễ dàng quên mất kiến thức vừa tiếp nhận. Nơi học tập tốt nhất là một nơi không có gì phân tán sự chú ý của bạn.
4. Luôn chuẩn bị chu đáo cho giờ lý thuyết
Chuẩn bị như thế nào? Bạn có thể đọc trước giáo trình để biết hôm nay học gì, nắm bắt trước những kiến thức cơ bản và dễ hiểu.
Nếu trong đó có những thuật ngữ khó hiểu, bạn có thể lên mạng tìm hiểu. Trong lúc giảng dạy đôi khi giảng viên hay sử dụng thuật ngữ chuyên ngành gây khó hiểu. Nắm bắt trước được những thuật ngữ sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu hơn.
Bên cạnh đó, đọc trước giáo trình sẽ giúp bạn tìm thấy những vấn đề gây khó hiểu, và tìm ra những câu hỏi để hỏi giảng viên vào hôm sau.
5. Tự đặt ra những câu hỏi và nghiên cứu
Nếu chỉ học thuộc những gì có trong giáo trình hay những gì giảng viên cho ghi, thì việc tự học cũng chẳng phần nào có ý nghĩa gì, kết quả kiểm tra của bạn cũng sẽ không cao hơn.
Để kiến thức về một vấn đề nào đó được nâng cao hơn, việc tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi “Vì sao” để nghiên cứu là rất cần thiết và hiệu quả. Sự thật là ngay từ nhỏ chúng ta đã tiếp thu được rất nhiều câu hỏi “Vì sao” của chúng ta dành cho người lớn.
Sau khi đặt ra câu hỏi, chúng ta có thể tìm câu trả lời bằng nhiều cách khác nhau: đọc sách, trên mạng, hoặc những người bạn có thể hỏi – như giảng viên chẳng hạn. Không chỉ trong tiết học, mà bạn có thể gặp gỡ hay trao đổi với giảng viên qua email, facebook.
6. Sẵn sàng sửa đổi để hoàn thiện kế hoạch học tập
Như đã nói, việc lập kế hoạch học tập ở trên sẽ chẳng có ý nghĩa nếu bạn không có quyết tâm cao, không làm hết mình vì nó. Nếu như bạn đặt ra mục tiêu, mục tiêu sẽ vẫn chỉ nằm ở trên giấy nếu bạn không thực hiện. Bạn muốn được điểm cao, thì chắc hẳn bạn phải học nhiều hơn những người khác, phải dành nhiều thời gian hơn cho mục tiêu của mình.