Kinh nghiệm phỏng vấn Unilever là gì? Đối với những tập đoàn đa quốc gia như Unilever, việc tuyển dụng một nhân sự thường diễn ra rất khắt khe và phải trải qua nhiều phỏng vấn khác nhau.
Vì thế, hôm nay chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm phỏng vấn Unilever để giúp bạn tự tin hơn trong việc ứng tuyển vào tập đoàn Unilever và có thêm những tham khảo về kinh nghiệm xin việc của một trong những Top doanh nghiệp tập đoàn lớn nhất Việt Nam hiện này!
Tổng quan về tập đoàn Unilever
1. Tập đoàn Unilever
Unilever ra đời năm 1930 từ sự sáp nhập của 2 doanh nghiệp là Lever Brothers (Anh) và Magarine Unie (Hà Lan). Chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng. Điển hình là các sản phẩm giặt tẩy, dầu gội, kem đánh răng, mỹ phẩm, gia vị thực phẩm… Trụ sở chính của Unilever hiện nay nằm ở London và Rotterdam.
Tập đoàn Unilever đang kinh doanh 3 dòng sản phẩm chính là:
– Thực phẩm dùng cho chế biến và ăn uống. (Knorr, Lipton, Unilever Food Solutions…)
– Sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân. (Lifebuoy, Lux, Dove, Clear, Sunsilk, Vaseline, Hazeline, Pond’s, Rexona, P/S, Close Up…)
– Sản phẩm giặt tẩy cho quần áo và đồ dùng trong nhà. (OMO, Viso, Surf, Comfort, Sunlight, Cif, Vim…)
2. Unilever Vietnam
Unilever Vietnam được thành lập năm 1995. Thực chất là tập hợp của 3 công ty tiêng biệt là Liên doanh Lever Việt Nam (Hà Nội); Elida P/S (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Best Food (TP. Hồ Chí Minh).

Công ty hiện tại có hệ thống bán hàng trên toàn quốc. Thông qua hơn 350 nhà phân phối lớn và hơn 150000 cửa hàng bán lẻ.
Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác với các nhà máy, xí nghiệp nội địa trong hoạt động gia công, cung ứng nguyên vật liệu sản xuất và bao bì thành phẩm.
Hiện nay Unilever đạt mức tăng trưởng khoảng 35-40%. Tạo thêm khoảng 5500 việc làm cho người Việt.
Kinh nghiệm thi tuyển vào Unilever
Sinh viên năm cuối hoặc đã ra trường có kinh nghiệm ít hơn 2 năm có thể thi tuyển vào Unilever bằng 2 cách. Một là tham gia chương trình Internship. Hai là ứng tuyển và phỏng vấn thẳng.
1. Các chương trình Internship
Unilever có 2 chương trình Internship lớn. Đó là Unilever Fresh Program (UFresh) và Unilever Future Leader Program (UFLP).
UFresh và UFLP về cơ bản là giống nhau. Cả hai đều là chương trình tuyển dụng dành cho sinh viên năm cuối sắp; hoặc đã tốt nghiệp có dưới 2 năm kinh nghiệm làm việc.
Điểm khác nhau chính của 2 chương trình là:
– Yêu cầu ứng tuyển:
UFLP: yêu cầu cao về tiếng Anh và khả năng lãnh đạo.
UFresh: yêu cầu tiếng Anh giao tiếp cơ bản; và kỹ năng làm việc nhiều hơn là kỹ năng lãnh đạo.
– Lộ trình:
UFLP: 3 năm.
UFresh: 6 tháng.
a, Quy trình thi tuyển UFresh

Vòng 1: Kiểm tra Aptitude Test Online hoặc tại văn phòng công ty
Bạn nên chuẩn bị trước một số kiến thức về kế toán; tài chính hoặc GMAT; và tham khảo các dạng bài kiểm tra tuyển dụng của Big 4 tại Talent Q, Cubiks, Kenexa, CEB’s SHL…
– Numerical Reasoning Test
– Verbal Reasoning Test
– Logical Reasoning Test
>> Tạo Mẫu CV xin việc chuyên nghiệp từ kho mẫu CV đa dạng của Cv.com.vn
Vòng 2: CD Training hoặc HR Manager phỏng vấn sơ bộ
Mục đích của vòng này là để tìm hiểu tính cách ứng viên, hiểu biết của ứng viên về tổng quan ngành; và cam kết gắn bó của ứng viên với công ty.
Vòng 3: Bài tập thị trường và thuyết trình nhóm
Vòng thi này dùng để kiểm tra sự nhiệt tình, khả năng học hỏi và phân tích của ứng viên. Ứng viên sẽ được chia thành các nhóm.
Được đưa một bài tập tình huống liên quan đến thị trường của một nhà phân phối để đi khảo sát khách hàng; chất lượng dịch vụ của nhà phân phối… từ đó đưa ra giải pháp tăng doanh số cho nhà phân phối đó.
Sau 1 tuần, các nhóm sẽ cùng thuyết trình. Ban giám khảo là Branch Manager, CD Training và các Area Sales Manager (ASM).
Vòng 4: Phỏng vấn với Branch Manager
Đây là cơ hội để bạn đưa ra các mong muốn và nguyện vọng phát triển khi làm việc tại Unilever (muốn làm tại phòng ban nào, vươn lên vị trí nào…). Branch Manager có thể tư vấn cho bạn các con đường sự nghiệp tại công ty.
Yên tâm, nếu đến được vòng này thì bạn đã chắc 99% trúng tuyển vào Unilever rồi.
b, Quy trình thi tuyển UFLP

Vòng 1: Nộp CV
CV chỉ nên ngắn gọn trong vòng 1 trang A4, đúng trọng tâm vào chuyên môn, đưa ra các con số cụ thể và không có lỗi chính tả. Đặc biệt phần References nên là một người có uy tín.
>> >> Tạo Mẫu CV xin việc chuyên nghiệp từ kho mẫu CV đa dạng của Cv.com.vn
Vòng 2: Kiểm tra Aptitude Test
Tương tự thi UFresh.
Vòng 3: Phỏng vấn sơ bộ (Initial Interview)
Đa số các câu hỏi chỉ là các câu phỏng vấn thông thường để tìm hiểu tính cách; điểm mạnh; điểm yếu và mục tiêu của bạn. Việc bạn vượt qua vòng này là 80% do trả lời đúng; đủ tiêu chí và 20% do có tố chất phù hợp và tạo được cảm tình.
Vòng 4: Họp, làm việc và đánh giá toàn diện (Assessment Center)
Các ứng viên được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm hơn 10 người; được phát case study và phải lên ý tưởng, kế hoạch hành động cho case study đó. Sau đó từng cá nhân sẽ lần lượt thuyết trình và được chất vấn bởi các Manager.
Vòng này quan trọng nhất là hiểu biết chuyên môn và khả năng lập luận của bạn. Họ không cần bạn đúng; họ cần bạn có logic, lập luận chặt chẽ, đưa ra bất kỳ ý tưởng gì cũng đều phải có lý do tại sao. Và đặc biệt là cả khả năng tiếng Anh. Ở các vòng trước có thể chưa yêu cầu ngoại ngữ khắt khe, nhưng ở vòng này phải thật sự giỏi toàn diện và phù hợp thì mới vượt qua.
2. Ứng tuyển trực tiếp

Khi ứng tuyển trực tiếp, các ứng viên cũng cần phải vượt qua vòng hồ sơ, làm aptitude test để đến được vòng phỏng vấn. Thường mỗi ứng viên phải trải qua ít nhất 3 vòng phỏng vấn với phòng nhân sự, quản lý đơn vị muốn tuyển và quản lý cấp cao hơn.
Các câu hỏi phỏng vấn sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính:
– Can do?: đánh giá ứng viên có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc hay không.
– Will do?: xác định động lực làm việc của ứng viên và khả năng cống hiến hết mình cho công việc.
– Will fit?: kiểm tra xem ứng viên có thực sự phù hợp với công việc về địa điểm làm việc, thời gian làm việc… hay không.
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA UNILEVER VIETNAM

Cần chuẩn bị những gì để xin việc tại Unilever?
Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn tại Unilever, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ những điều sau đây:
- Thông tin doanh nghiệp
- Năng lực cạnh tranh của Unilever
- Nghiên cứu lại Quy trình phỏng vấn tại Unilever
- Nghiên cứu các Công cụ đánh giá nhân lực của Unilever
Bí Quyết để Tránh “ĐẬU HỤT” khi ứng tuyển vào Unilever? – Kinh nghiệm thực tế
Vòng 1: Nộp CV
Việc nộp CV cho dạng công ty đa quốc gia thì nên với việt tạo CV ứng tuyển cũng là một điều vô cùng quan trọng quyết định bạn có vượt qua vòng đầu tiên này không.
Bạn nên nộp đúng 1 trang A4 là tốt nhất, sạch sẽ, gọn gàng, đúng trọng tâm chuyên môn của mình, có con số hẳn hoi, hình CV phải sáng sủa, tươi tắn, kiểm tra chính tả chỉn chu, cấm sai một chữ.
Tốt nhất là bạn nên nhớ CV nộp file pdf tuyệt đối không nộp file word để tránh chuyện khác hệ điều hành các kiểu khiến nhà tuyển dụng không mở được file.
Phần Reference nên có người uy tín càng tốt. Viết động từ nên dùng thể quá khứ (CV tiếng Anh). Đặc biệt là có “con số biết nói” (100h gọi điện thoại cho khách hàng, bán hàng doanh số 20 triệu…)
Và bạn biết đấy, mỗi đợt ứng tuyển hơn 2000 CV gởi về ứng tuyển, nên họ sẽ vứt rác CV của bạn nếu sai chính tả hoặc hình thức cẩu thả ngay và luôn.
CV chẳng khác gì một cái tờ giấy bán hàng, bán thân, cẩn chuẩn đẹp nhé!
=> Kinh nghiệm của mình là tốn 3 ngày đầu tư đó! Ra một cái form chuẩn, nộp công ty nào cũng đậu, chỉ cần sửa vài thông tin để phù hợp.
Tuy nhiên để tiến sâu hơn vào các vòng sau, bạn nên chuẩn bị CV chu đáo, và số lượng chính thức đậu chương trình cũng khá ít, giao động từ 3-5 người mỗi miền. Miền trung thì chỉ có 3 người vào năm 2017.
Do đó, CV tập trung vào leadership, hoạt động xã hội, thành tích nổi bật thật nhiều là điều không thể không có. Kinh nghiệm thực tế về sales hay Trade marketing thì càng thực tế và tốt.
Vòng 2: Test Tuyển dụng (Aptitude Test)
Kinh nghiệm phỏng vấn Unilever
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài luyện tập trên mạng. Nhưng trang khá uy tín là: https://www.indiabix.com/
http://www.practiceaptitudetests.com/
hay http://www.numericalreasoningtest.org/
Có rất nhiều dạng câu hỏi trong Aptitude test, nhưng thường gặp nhất là: Numerical reasoning test, Verbal reasoning test, Situational judgement test, Diagrammatic test.
Tiêu chí vượt qua vòng này khá đơn giản. Nhà tuyển dụng đã có sẵn mức điểm sàn, vượt lên mức đó thì bạn qua vòng này.
Hoặc tùy nhà tuyển dụng muốn lấy bao nhiêu phần trăm thí sinh vào vòng tiếp theo, họ sẽ lấy điểm từ trên xuống dưới.
Với phần này, cách duy nhất để chuẩn bị là luyện tập thật nhiều để quen tay quen mắt thôi. Còn trong lúc thi, Khó ở đây là việc canh thời gian, nhiều bạn vì lo tập trung câu khó mà điền không kịp các câu dễ hoặc quên điền trắc nghiệm các câu mình không biết, bỏ trống uống lắm, nhớ điền hết dù không biết.
Thời gian vòng này đủ dài để các bạn làm được đầy đủ các câu hỏi. Tuy nhiên đây cũng là test để sàn lọc nên phải cố gắng điểm càng cao càng tốt.
Đề ở trên đã ra cùng cho 1 năm, chắc nhân sự lầy không đổi đề ^^! Trong quá trình làm thực ra các bạn vẫn có thể sử dụng thêm 1 máy tính khác để search những câu hỏi về kiến thức xã hội.
Đây là cuộc thi và theo lý thuyết trò chơi thì nếu bạn không tận dụng thì người khác cũng sẽ tận dụng , còn kết quả cuối cùng thì chỉ đánh giá bằng số câu trả lời bạn làm được nên bằng cách nào đó, hãy vượt qua vòng này một cách dễ nhất và sở hữu số điểm cao nhất ^^!
Vòng 3- Phỏng vấn online
Sau khi làm test khoảng 20-30 ngày thì bạn sẽ nhận được lịch phỏng vấn qua skype. Với số lượng quá đông như vậy nên bên Unilever sẽ thuê HR bên thứ 3 để phỏng vấn các bạn.
Những câu hỏi thường đi sâu vào tính cách, hoạt động của bạn. Chẳng hạn như
1_Khó khăn nào là lớn nhất?
2_Thành tựu lớn nhất?
3_Khi khó khăn làm gì?
4_Luận văn làm về chủ đề gì, kết quả phát hiện được gì (Mình có làm luận văn, với HR chắc xưa làm Luận Văn ghê lắm ^^! Chị HR tên Triều nhé)
5_Câu hỏi về tiếng anh tựa như speaking part 1 của Ielts
6_Công việc công tác xa thì như thế nào, đi xa có ngại không
7_Vì sao chọn ngành này, công việc này v.v
Một số câu hỏi khác cũng khá đơn giản, các bạn có thể search trên mạng được. Tuy nhiên, HR partner hỏi rất sâu và chi tiết để kiếm chứng những gì mình ghi có đúng hay không.
Bên cạnh đó, những thông tin này còn được lưu lại để dành cho các vòng sau, các sếp sẽ dựa vào thông tin này để phỏng vấn chuyên sâu.
Cuộc phỏng vấn vòng này sẽ kéo dài trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Kết thúc thời gian, HR sẽ ngừng nên cố gắng trả lời hay và phô diễn được nhiều nhất trong thời gian đó.
Sau khoảng 2 tuần thì sẽ có kết quả
Update 2018
Đối với đợt này, có một số bạn báo mình cách phỏng vấn giống như là cách chia sẻ, tâm sự liên quan đến nghề sales sẽ vất vả, sẽ đi thị trường nhiều, bạn sẽ suy nghĩ như thế nào.
Đối với một số bạn đã có kinh nghiệm hoặc có chủ động tìm hiểu các cửa hàng tạp hóa, nhân viên sales của U thì đây là một điểm cộng khá lớn, tuy nhiên cũng sẽ gặp các câu hỏi hóc búa với các bạn mới hơn một tí:
- Ví dụ giao cho bạn một nhóm nhân viên bán hàng mà trong đó 1 bạn gần đây không đạt doanh số thì bạn làm như thế nào
- Em làm như thế nào để các cửa hàng tạp hóa chịu bán sản phẩm của Unilever
- Em làm gì để hỗ trợ các cửa hàng tạp hóa bán được sản phẩm của Unilever
Một số bạn ban đầu sẽ phỏng vấn tiếng anh đầu tiên
- Introduce yourself
- Your biggest difficulty and how to overcome
- Your sales experience
- How far you achieve the target
Phỏng vấn có cả tiếng Anh và tiếng Việt, nếu tiếng Anh của bạn chưa giỏi lắm, trả lời vài câu xong xin nói bằng tiếng Việt, họ sẽ đồng ý.
Phỏng vấn xong bạn nhớ nói cảm ơn và xin email của người phỏng vấn. Nếu họ đồng ý thì về gửi email cảm ơn cho họ, còn nếu không cho cũng không sao.
Bạn cũng đừng kỳ vọng nhiều, về cứ bình tĩnh sống, học, vui chơi, mình biết có nhiều bạn nộp một lần mấy chương trình tương tự của các công ty khác để back up nên thua keo này ta bày keo khác, tất cả cũng chỉ là trải nghiệm, vòng 3 vẫn còn cạnh tranh cao lắm, nói thật là tính hên xui đó bạn!
Cao thủ ở khắp nơi, nhưng hãy làm và nỗ lực hết mình có thể. Đừng quá hồi hộp và lo lắng mong chờ kết quả nhé!
Vòng 4: Assessment Centre (Tập họp lại, làm việc và đánh giá toàn diện nguyên ngày)
Vòng cuối, đánh giá toàn diện, vô được vòng này là bạn khá lắm rồi đấy! Không phải tự khen mình mà nói thiệt vì đi thi vòng này nhìn các ứng viên xung quanh ai cũng sáng sủa, thông minh và lanh lợi.
Hỏi thăm nói chuyện đều thấy họ rất năng động và có thành tựu rõ ràng, tiếng Anh và kỹ năng thuyết trình thì > 80% trong đây là chém như gió!
Các bạn nên làm quen với Receptionist để hỏi về văn hóa và môi trường Unilever. Đó là một lợi thế! Anh Receptionist đó rất dễ thương, tử tế, biết nhiều ngôn ngữ. Ảnh chia sẻ:
“Thực ra làm trong ấy lương tính ra là hợp lý so với các công ty đa quốc gia khác chứ không cao cũng không thấp, mức độ cạnh tranh rất cao, sale thì vô chỉ có hơn target của các sale manager đã ra đi, tinh thần làm việc nghiêm túc, sử dụng chất xám liên tục.
Năm nào chả vậy, đa số các bạn miền Bắc đậu là chính, vì tụi nó lanh lắm! Vô thi thì nó chém gió như vũ bão, thi ở đâu không biết nhưng thi ở U thì rất cần thể hiện, eager một tí, đặc biệt mảng Marketing!”
Mà công nhận anh ấy nói đúng, lúc thi mình thấy mấy bạn miền Bắc siêu lanh lợi, cái gì chứ nói và giao tiếp thì cứ như cùng một lò được huấn luyện, sắc sảo lắm.
Mấy bạn miền Nam thì hiền hơn thấy rõ, nhưng đều là dân thông minh chứ không phải dạng vừa đâu. Các thí sinh được chia thành nhiều team.
Mỗi team mười mấy người, phát casestudy về Marketing và mảng Customer Service (mặc dù mình thi Marketing nhưng họ cho làm cả hai để test xem hợp bên nào; bạn đăng ký mảng nào, làm cái đó trước). Đề có số liệu, chart, hoàn cảnh cụ thể (1 đề tiếng Anh và 1 đề tiếng Việt).
Bản tiếng Việt được dịch không sát, chỉ đúng khoảng 80-90%, bạn nào đọc được tiếng Anh thì bám sát đề hơn, nắm ý sâu hơn. Mình phải lên plan hành động trong một tờ A1, để viết lên, thể hiện ý tưởng. Thấy ai làm cũng dư thời gian. Sau đó, từng cá nhân được kêu vào present, khá lâu.
Khi vào present sẽ có 2 manager về Marketing của Unilever ngồi chất vấn bạn, “em nghĩ gì? tại sao? số liệu này như thế nào? insight là gì? rủi ro? back up plan? v..v…” Họ sẽ phản biện và hỏi tại sao bạn chọn những con số và ý tưởng này. Được trình bày bằng tiếng Việt.

Tóm lại, để qua vòng này thực ra cần kiến thức căn bản về mảng mình thi và khả năng lập luận. Họ không cần bạn đúng, họ cần bạn có logic là ok! Bạn giải thích hoặc đưa ra bất cứ thứ gì, đều cần lý do tại sao, ý tưởng càng sáng tạo càng tốt nhưng phải có lập luận chặt chẽ.
Tường thấy rõ họ quan tâm mình có bản lĩnh, có tự tin, có kiến thức nền, đầu óc có sáng tạo và biết cách lập luận không? Vô lâu hay ra nhanh thì cũng chưa nói lên điều gì.

Môi trường làm việc tại Unilever
Không phải ngẫu nhiên mà Unilever lại được bình chọn là “nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” trong vòng 4 năm liền.
Nhìn chung, Unilever cung cấp cho nhân viên của mình một môi trường làm việc năng động và nhiều cơ hội phát triển. “Năng động” ở đây được thể hiện từ:
1. Không gian
Văn phòng Unilever được thiết kế theo hệ thống mở, không vách ngăn, nâng cao hiệu quả làm việc nhóm và giúp cho sự giao lưu giữa nhân viên được cởi mở hơn.
Ngoài ra, Unilever còn trang bị cả phòng tập thể dục cùng nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm đem lại luồng sinh khí khỏe khoắn cho công ty.

2. Trang phục
Khi làm việc tại Unilever, nhân viên không bị bắt buộc mặc đồng phục hay các loại trang phục quá kiểu cách. Mọi người đều có quyền lựa chọn những trang phục phù hợp và thoải mái nhất với mình để tiện làm việc và di chuyển.

3. Văn hóa làm việc
Tại Unilever luôn có những dự án mới, đòi hỏi nhân viên phải luôn học hỏi và sáng tạo. Văn hóa lắng nghe khi làm việc cũng được Unilever chú trọng.
Dù bạn là ai, nếu bạn có ý tưởng muốn đóng góp, thì bạn sẽ luôn được lắng nghe và được góp ý thật sự có tâm.
Đặc biệt, phái nữ khi làm việc tại Unilever sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để cảm thấy thực sự thoải mái và tự tin thể hiện năng lực của mình.
Họ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hưởng chế độ đãi ngộ khi sinh em bé và dành thời gian chăm sóc bản thân, gia đình.
Có thể thấy, mục tiêu hướng đến của những người đứng đầu Unilever là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của nhân viên.
Đây thực sự là một môi trường làm việc lí tưởng không chỉ cho sinh viên mới ra trường mà còn cả những người đã đi làm lâu năm.
Những hạn chế khi làm việc tại Unilever
Theo như không ít những review của nhân viên từ công ty trên các diễn đàn thì mặc dù làm việc tại Unilever có rất nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nhưng lại luôn phải chịu áp lực cao, nguy cơ đào thải lớn nếu không đạt được chỉ tiêu, và đôi khi khả năng thăng tiến rất thấp.
Lời khuyên của một số nhân sự đã từng làm tại công ty đó là chỉ nên làm việc tại Unilever trong vòng vài năm đầu sau khi ra trường để tích lũy kinh nghiệm, sau đó nhảy việc sang các công ty có chế độ lương thưởng tốt hơn.

“So với các công ty hàng tiêu dùng khác thì đãi ngộ ở Unilever thấp hơn; nhưng học hỏi được nhiều hơn. Làm vất vả và nhiều áp lực.
Thường những người trẻ và có năng lực thì chỉ làm ở U vài năm lấy kinh nghiệm rồi đều xoay ra hướng khác. Lương + thưởng của dân mới ra trường chia trung bình được hơn 10 triệu 1 chút; 1 năm tăng 1 lần, mỗi lần từ 10 – 15% tùy khả năng.” (Trích Diễn đàn Webtretho.com)
Quan điểm trên có thể đúng, có thể sai tùy vào nhận định và mục tiêu của mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn đó là môi trường làm việc tại Unilever sẽ không “toàn màu hồng” như người ngoài vẫn thường nghĩ.
Chắc chắn cơ hội sẽ luôn đi kèm với những áp lực mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu.
Vậy nên, hãy tự mình cân nhắc kỹ lưỡng xem Unilever có thật sự phù hợp với bản thân không trước khi bạn có ý định ứng tuyển vào tập đoàn danh tiếng này nhé.
Mong rằng những chia sẻ mà Cv.com.vn tổng hợp trên đây sẽ hữu ích trên con đường sự nghiệp của các bạn.
Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của mọi người để bổ sung cho những hiểu biết về Unilever Vietnam.