1. Apple
Tên gọi Apple được cho là đã được lựa chọn bởi chính Steve Jobs bởi đây là loại quả yêu thích của ông. Tuy nhiên, trong cuốn sách Apple 2.0, người đồng sáng lập Steve Wozniak nói: “Jobs nói “Tôi đã tìm ra một cái tên tuyệt vời: Apple Computer”. Có lẽ lúc đó anh ấy đang ngồi dưới một cây táo. Tôi cũng không hỏi thêm. Hoặc cũng có thể ý tưởng này lấy cảm hứng từ hãng thu âm Apple Records. Bạn biết đấy, Steve Jobs là một người yêu âm nhạc, giống như nhiều người làm trong ngành kỹ thuật khác. Lúc đó trong đầu tôi lập tức nghĩ: “Chúng ta sẽ gặp phải nhiều rắc rối về bản quyền lắm đấy!”.
Sau đó Steve Jobs và Steve Wozniak đã thử rất nhiều cái tên khác như Executex hay Matrix Electronics nhưng họ nhận ra rằng mình không thích bất cứ tên nào trong số đó bằng Apple Computer.
Nhìn chung, khi đặt tên công ty, Jobs luôn muốn sử dụng một từ ngữ nào đó thân thiện và dễ tiếp cận hơn những tên doanh nghiệp đầy lạnh lùng trong ngành công nghiệp máy tính lúc bấy giờ. Thêm vào đó, một số thông tin cho hay táo là loại quả mà Steve Jobs thích, chính vì thế ông đã sử dụng nó làm tên công ty do mình sáng lập nên.
2. Nokia
Nguồn gốc cái tên Nokia thực ra… không liên quan gì đến công nghệ. Theo đó, công ty này đã được thành lập từ năm 1865 và lúc đó là một nhà máy giấy Phần Lan tọa lạc ở thành phố Tampere. Nhà máy thứ hai của công ty này được dựng lên gần thị trấn Nokia và tới năm 1987, tên thị trấn này chính thức được lấy làm tên doanh nghiệp.
3. Samsung
Theo người sáng lập Samsung Group, Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “ba ngôi sao”, trong đó “số ba” để chỉ một thứ gì đó “lớn, nhiều và mạnh mẽ” còn “ngôi sao” tượng trưng cho sự vĩnh cửu.
4. Sony
Tên thương hiệu Sony được cho là có hai lớp nghĩa. Theo tiếng Latin, Sony là “sonus”, nghĩa là âm thanh trong khi đó theo tiếng lóng Mỹ, Sony có thể được hiểu là “sonny boys”, khái niệm mà hai người sáng lập Akio Moritom và Masaru Ibuka dùng để miêu tả chính mình.
Vào những năm 1950, ở Nhật Bản, người ta gọi những chàng thông minh, trẻ trung và thời thượng là “sonny boys”. Cũng có nguồn tin cho rằng, cái tên Sony được chọn là do nó dễ phát âm trong rất nhiều thứ tiếng.
5. Motorola
Cái tên Motorola là sự kết hợp giữa hai từ: “motor” với nghĩa xe hơi và “ola” (được trích ra từ từ “victrola”) với nghĩa “âm thanh”. Sở dĩ cái tên này ra đời là do nó được chọn vào thời điểm Motorola đang hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị radio trong xe hơi.
6. RIM (Research In Motion)
Research In Motion (RIM, về sau là BlackBerry) suýt chút nữa có tên là Paradigm Research tuy nhiên lúc đó tên gọi này đã được đăng ký trước. Về sau, người sáng lập Lazaridis đã thử nhiều cách kết hợp với từ Research khác nhưng đều không được công nhận và bởi vì mỗi đơn đăng ký phải nộp kèm lệ phí 160 USD, chỉ riêng vấn đề tên đã lấy đi của doanh nghiệp này quá nhiều tiền.
Vào một buổi chiều, khi đang xem TV, Lazaridis tình cờ nghe được câu chuyện về một cầu thủ bóng đá học múa ba lê cùng dòng chữ “Poetry in Motion” trên màn hình. Lazaridis quyết định chọn tên Research In Motion và nó được đăng ký vào ngày 7 tháng 3 năm 1984.
7. Google
Câu chuyện về sự ra đời của tên gọi Google có lẽ là một trong số những câu chuyện quen thuộc với nhiều người nhất. Theo đó, Google được chủ định đặt tên là Googol (tượng trưng cho số lượng dữ liệu khổng lồ), tuy nhiên do một lỗi chính tả vô tình, Google đã có tên như ngày nay.
8. HP
Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đã biết HP được viết tắt theo chữ cái đầu trong tên của hai người sáng lập Bill Hewlett và Dave Packard. Tuy nhiên, sự ra đời của nó cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị.
Lúc chọn ra cái tên này, Bill và Dave đã phải tung đồng xu để xem tên ai sẽ được xuất hiện trước. Cũng có một thời gian tên gọi HP của công ty máy tính này liên tục bị nhầm với tên một loại… nước sốt.
9. Facebook
Cả sự ra đời và tên gọi của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đều liên quan đến trường Đại học. Theo đó, Facebook được đặt tên theo khái niệm “facebook”, một cuốn danh bạ bản in hoặc bản điện tử chứa ảnh, tên và các thông tin khác của học viên trong các trường Đại học ở Mỹ.
Những cuốn “facebook” như thế thường được phát vào đầu mỗi kỳ học để giúp học viên dễ dàng làm quen và trao đổi với nhau hơn.
10. Twitter
Trước khi Twitter được chọn, khá nhiều những cái tên khác như Jitter hay Twitch đã được cân nhắc. Trước đây, trong một bài phỏng vấn, người đồng sáng lập mạng xã hội “chim xanh” Jack Dorsey từng chia sẻ anh muốn tên gọi mạng xã hội này sẽ diễn tả đúng những gì nó này hướng đến.
Khi cân nhắc cái tên Twitch, nhóm phát triển Twitter đã vô tình nhìn thấy từ “twitter” trong từ điển với nghĩa “đoạn thông tin ngắn, tầm phào, tiếng kêu từ những chú chim”. Theo Jack, “twitter” diễn đạt hoàn hảo bản chất mạng xã hội này. Thêm nữa, tên miền twitter.com lúc đó có giá… rất rẻ.